Chiều 10/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công đoàn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (Công đoàn ĐHQG-HCM) phối hợp với Công đoàn Viên chức Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Hội nghị nhằm thu thập nhiều ý kiến đóng góp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Khối thi đua 1 của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần giúp nội dung Luật bao quát, đầy đủ hơn.
Chủ trì hội nghị là ông Lê Minh Đức - Phó Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lý Ngọc Thạch - Trưởng Ban Dân chủ pháp luật Ủy ban Mặt trân Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lương Tuấn Anh - Chủ tịch Công đoàn Viên chức Thành phố Hồ Chí Minh, và ông Lâm Tường Thoại - Chủ tịch Công đoàn ĐHQG-HCM.
Phát biểu mở đầu hội nghị, ông Lâm Tường Thoại cho biết thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân được tham gia các quá trình chính trị - xã hội trên tất cả khâu: hoạch định, triển khai thực hiện, giám sát, kiểm tra.
“Thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần quy định vai trò, tiềm năng, sự sáng tạo của người dân, tạo nên bầu không khí dân chủ trong xã hội”, Chủ tịch Công đoàn ĐHQG-HCM nhận định.
Hội nghị đã lắng nghe 47 ý kiến từ 15 đại biểu của Công đoàn Viên chức Thành phố Hồ Chí Minh, Công đoàn ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh, Công đoàn ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Công đoàn Sở Lao động – Thương binh & Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Công đoàn Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh, Công đoàn Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, và Công đoàn ĐHQG-HCM.
Các đại biểu cho rằng dân chủ ở cơ sở là thiết chế quan trọng đảm bảo quyền của công chức, viên chức và người dân. Tuy nhiên, việc công khai, minh bạch thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức vẫn chưa đạt yêu cầu. Việc giám sát nghị quyết hội nghị cán bộ công chức, nghị quyết hội nghị người lao động còn hạn chế.
Để thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, các đại biểu nêu ý kiến cần quy định rõ hơn chủ thể chịu trách nhiệm Luật, trong đó thể hiện vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thanh tra nhân dân. Đồng thời, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở phải thống nhất, đồng bộ, không chồng chéo với các văn bản pháp luật khác.
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông số để công khai, truyền tải thông tin, lấy ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức và người dân.
Tin và ành: Lê Hoài
Toàn cảnh hội nghị.
Đại diện Công đoàn Sở Tư pháp TP.HCM trình bày góp ý cho dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.