Thực hiện CV số 46/KH-LĐLĐ của Liên đoàn Lao động Tp HCM ngày 20/7/2015 Và Công văn số 124/CĐ-ĐHQG ký ngày 04/8/2015 về việc mời tham quan quan, học tập truyền thống tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng; tham quan phòng truyền thống Công nhân – Công đoàn thành phố Hồ Chí Minh.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống, tuyên truyền, giới thiệu đến CNVL-LĐ về truyền thống vẻ vang của tổ chức Công đoàn Việt Nam và Công đoàn thành phố Hồ Chí Minh cùng phong trào CNVC-LĐ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.
Các Công đoàn cơ sở đã tổ chức buổi tham quan, học tập tại phòng truyền thống Công nhân – Công đoàn Thành phố và Bảo tàng Tôn Đức Thắng.
Sáng ngày 20/8/2015, Công Đoàn Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, Công Đoàn Trường Kinh Tế - Luật đã đến dâng hoa và thắp hương cho chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Một số hình ảnh:
(còn tiếp)
TIỂU SỬ CHỦ TỊCH TÔN ĐỨC THẮNG (20/8/1888 - 30/3/1980)
Đồng chí Tôn Đức Thắng, sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888 trong một gia đình nông dân khá giả tại Cù lao Ông Hổ, làng Mỹ Hoà Hưng, Tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang).
Năm1906, sau khi học xong bậc sơ học ở trường tiểu học Long Xuyên, Tôn Đức Thắng rời quê lên Sài Gòn và đến với giai cấp công nhân đang trong quá trình hình thành. Truyền thống quật cường của quê hương đất nước và cuộc sống giai cấp công nhân đã sớm rèn luyện nhiệt tình yêu nước trong Tôn Đức Thắng. Từ đây, Tôn Đức Thắng đã hòa nhập trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp.
Tại Sài Gòn, Tôn Đức Thắng học việc và làm thợ ở nhiều nơi. Năm 1912, tổ chức cuộc bãi khóa của học sinh trường Cơ khí Á Châu (còn gọi là trường Bá Nghệ- nay là trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng) đòi thực hành quy chế của trường, chống đánh đập học sinh, phong trào này đã được công nhân Ba Son hưởng ứng.
Năm 1915 – 1917, học thợ máy ở trường Bá Nghệ, nhưng chưa học xong đã bị động viên sang Pháp làm lính thợ phục vụ chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Tôn Đức Thắng làm việc trên chiến hạm France, xưởng Arsenal, quân cảng Toulon.
Năm 1919, Tôn Đức Thắng bị điều động tới một đơn vị hải quân được lệnh tiến công Xêvaxtôpôn trên bờ Hắc Hải trấn áp nước Nga Xô Viết mới ra đời. Tôn Đức Thắng đã cùng các bạn lính thợ tham gia phản chiến bằng hành động kéo lá cờ đỏ lên cột cờ chiến hạm.
Năm 1920, sau cuộc binh biến, Tôn Đức Thắng bị trục xuất khỏi nước Pháp. Trở về Sài Gòn, Tôn Đức Thắng vận động những người có cùng chí hướng thành lập Công hội bí mật. Dưới sự lãnh đạo của Công hội mà đồng chí Tôn Đức Thắng là Hội Trưởng phong trào công nhân Sài Sòn- Chợ Lớn phát triển mạnh mẽ, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân ở Ba Son, tháng 8 năm 1925.
Năm 1926, đồng chí tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên- tổ chức tiền thân của Đảng. Năm 1927, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Thành bộ Sài Gòn- Chợ Lớn và Kỳ bộ Nam Kỳ.
Cuối năm 1929, đồng chí bị thực dân Pháp bắt trong vụ án Bac-bi-ê. Tòa án thực dân Pháp kết án 20 năm khổ sai, đày ra Côn Đảo.
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí trở về đất liền trong lúc thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Đồng chí bắt tay ngay vào cuộc chiến đấu mới của đồng bào Nam Bộ và nhân dân cả nước.
Ngày 06 tháng 01 năm 1946, trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đồng chí được nhân dân Sài Gòn- Chợ Lớn bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1947, đồng chí được cử làm Tổng thanh tra của Chính phủ và quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Năm 1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, đồng chí được bầu làm Trưởng Ban vận động thi đua ái quốc Trung ương.
Năm 1950 , đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Xô.
Năm 1951, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Được cử làm Phó trưởng Ban Dân vận- Mặt trận Trung ương.
Năm 1955, được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 7, được bầu là Chủ tịch danh dự Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam và được Đại hội Hòa bình thế giới bầu làm Ủy viên Hòa bình thế giới. Ngày 20/9, kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa I bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội.
Năm 1960 , tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1969, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, tại kỳ họp đặc biệt Quốc hội khóa III, đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1976, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI- Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, đồng chí được bầu làm Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí Tôn Đức Thắng vinh dự được nhận Huân chương sao vàng- Huân chương cao quý của nước Việt Nam, Huân chương Lê-nin của nước Nga Xô Viết, Huân chương Soukhe- Bator của nước Mông Cổ và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đồng chí Tôn Đức Thắng, hiến dâng cả đời mình cho độc lập, tự do của dân tộc và cho lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, đồng chí là một hình ảnh trong sáng của tinh thần cách mạng bất khuất và đạo đức chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: " Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: Suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân".
Do tuổi cao, sức yếu sau một thời gian bệnh nặng Người qua đời vào ngày 30/3/1980 tại Hà Nội, an táng tại nghĩa trang Mai Dịch.