Skip to content Skip to navigation

Thành tựu là nhờ sự nỗ lực của cán bộ, nhà giáo

Theo ông Lâm Tường Thoại - Chủ tịch Công đoàn Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM), nhà trường là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình đào tạo được kiểm định theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế. Về xếp hạng Đại học, ĐHQG-HCM đứng trong nhiều bảng xếp hạng uy tín thế giới. Thành tựu mà nhà trường đạt được là nhờ sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, nhà giáo.

Thành tựu là nhờ sự nỗ lực của cán bộ, nhà giáo
Ông Lâm Thường Thoại - Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM)

Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) là một trong ba tập thể được tôn vinh trong chương trình “Vinh quang Việt Nam” năm 2021 do Tổng LĐLĐ Việt Nam - Báo Lao động tổ chức.

Những năm gần đây, nhà trường là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình đào tạo được kiểm định theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế. Về xếp hạng Đại học, ĐHQG-HCM đứng trong nhiều bảng xếp hạng uy tín thế giới, nổi bật.

Xuất hiện trong bảng xếp hạng QS Asia từ năm 2009, nhưng đến giai đoạn 2016 - 2020, với định hướng phát triển và nâng cao vai trò nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, ĐHQG-HCM và các đơn vị thành viên đã đẩy mạnh xây dựng và triển khai các hoạt động liên quan đến công tác xếp hạng một cách tích cực. Liên tục 3 năm gần đây, ĐHQG-HCM luôn thuộc top 150 đại học tốt nhất châu Á do tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) Anh quốc xếp hạng. Cũng theo QS, năm 2021, ĐHQG-HCM đứng top 801-1000, thuộc top 62% các đại học tốt nhất thế giới và đứng top 400 về danh tiếng học thuật. Ngoài ra 05 nhóm ngành: Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Khoa học máy tính, Kinh doanh và Kinh tế và Khoa học sự sống của ĐHQG-HCM thuộc top 601 - 800 thế giới. Gần đây nhất, ngành Kỹ thuật dầu khí của Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG-HCM thuộc top 101-150 của thế giới. ĐHQG-HCM còn là đại diện duy nhất trong bảng xếp hạng 500 trường đạt tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm tốt nhất thế giới của QS.

Thành tựu là nhờ sự nỗ lực của cán bộ, nhà giáo

Học viên, sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP. HCM) làm việc trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Trần Huỳnh

Ông Lâm Tường Thoại – Chủ tịch Công đoàn, Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng ĐHQG-HCM chia sẻ: “Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là khi TP Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch đã gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của ĐHQG-HCM. Tuy nhiên, thứ hạng xếp hạng của trường trên thế giới vẫn tăng, thậm chí có nhiều mặt nổi bật. Đơn cử là sinh viên ra trường có việc làm nhiều nhất theo xếp hạng thế giới.

Đằng sau những thành tích đó là nỗ lực thầm lặng của cán bộ, nhà giáo, chuyên viên, người lao động của ĐHQG-HCM. Khi mọi người xung quanh vẫn đôi khi mang tâm trạng hoang mang, lo lắng vì dịch bệnh thì cán bộ, giảng viên, chuyên viên của ĐHQG-HCM vẫn miệt mài trong đào tạo, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu khoa học, hỗ trợ cho sinh viên tìm việc làm trong giai đoạn khó khăn”.

 

Thành tựu là nhờ sự nỗ lực của cán bộ, nhà giáo
PGS.TS Trần Doãn Sơn bên chiếc máy làm phở đang hoàn thiện để xuất đi Nhật. Ảnh: TG

Trong 3 năm qua (2019 - 2021), ĐHQG-HCM đã tiếp tục giữ xếp thứ hạng cao về chuyển giao công nghệ, mang lại nguồn thu từ khoa học ứng dụng. Trong số đó có PGS.TS Trần Doãn Sơn – tác giả của máy làm bún cho hộ sản xuất kinh doanh nhỏ. Tại Giải thưởng sáng chế TP HCM năm 2020, PGS.TS Trần Doãn Sơn đã vinh dự nhận được 3 giải thưởng (1 giải Nhì, 1 giải Ba và 1 giải Khuyến khích) với các sáng chế: Thiết bị sản xuất bún bao gồm cơ cấu ép đùn bột nước; Thiết bị sản xuất bánh tráng dạng tròn; máy làm bánh tráng rế tự động lấy bánh. Đến nay, PGS.TS Trần Doãn Sơn đã sở hữu 15 đề tài khoa học với 9 công trình được bằng sáng chế độc quyền và được ứng dụng thương mại ra thế giới.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các công trình nghiên cứu khoa học vẫn được các thầy cô giáo triển khai đồng bộ. Chất lượng giảng dạy trực tuyến luôn đảm bảo, thu hút học viên. Các trường thành viên ĐHQG-HCM có quan điểm rất quyết liệt trong vấn đề này. Nhằm động viên, khuyến khích, phát hiện và giới thiệu các phương pháp giảng dạy trực tuyến hay, ĐHQG-HCM cũng đã phát động phong trào thi đua dạy học trực tuyến và xét khen thưởng “Giảng viên trực tuyến xuất sắc” để cán bộ, nhà giáo phát huy sáng tạo, nâng cao chất lượng các giờ giảng. Khi các thầy cô giáo học tập, nâng cao trình độ và đạt được các danh hiệu, học hàm, học vị như PGS, GS, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú đều được Ban Giám đốc và Công đoàn khen thưởng, tổ chức vinh danh.

Thành tựu là nhờ sự nỗ lực của cán bộ, nhà giáo
Thí sinh phấn khởi rời khỏi phòng thi trong kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG-HCM tổ chức vào cuối tháng 3/2021.

Trong công tác tuyển sinh, từ năm 2019, phương thức dùng kết quả của kỳ thi riêng, đặc biệt là kì thi đánh giá năng lực của ĐHQG-HCM đã trở thành phương thức quan trọng thứ ba tính theo số lượng thí sinh dự thi và số lượng các trường đại học dùng chung kết quả để xét tuyển. Kì thi đánh giá năng lực của ĐHQG-HCM đã thu hút số lượng và tỷ lệ học sinh các trường chuyên và trường THPT lớn tại các địa phương tham gia rất cao.

Công đoàn ĐHQG-HCM cũng tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua ủng hộ chương trình “Sóng và Máy tính cho em” do Thủ tướng Chính phủ phát động. Trải qua các đợt dịch Covid-19, ký túc xá ĐHQG-HCM được Thành phố trưng dụng là nơi cách ly, thành lập bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19. Các thầy cô giáo tham gia sắp xếp, chuẩn bị cơ sở vật chất với tiến độ khẩn trương, sớm hơn so với yêu cầu của Thành phố.

Công đoàn đã hỗ trợ cho các trường hợp F0 là cán bộ, giảng viên, sinh viên theo chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đồng thời triển khai chương trình "Bác sĩ gia đình" tư vấn, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ thuốc cho các bệnh nhân F0 điều trị tại nhà. Công đoàn hỗ trợ và kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các thầy cô giáo sinh sống trong các địa bàn phong tỏa, cách ly cùng hàng ngàn sinh viên ngoại tỉnh bị mắc kẹt do dịch Covid-19. Công đoàn ĐHQG-HCM cũng đã ủng hộ lực lượng y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch tại các bệnh viện dã chiến trang thiết bị phòng, chống dịch.

Thành tựu là nhờ sự nỗ lực của cán bộ, nhà giáo

Chương trình “Vắc xin tinh thần” do Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG-HCM) thực hiện từ ngày 5/9 với mục đích hỗ trợ sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân Thành phố trong đại dịch đã thu hút các tình nguyện viên, các nhà xơ… tham gia. Đội ngũ tình nguyện viên tham gia Chương trình Vắc xin tinh thần của Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã đi tới các bệnh viện, lắng nghe và tháo gỡ những hoang mang, lo lắng, căng thẳng của các trường hợp F0 bị sang chấn tâm lý.

“Các cán bộ đều giữ vị trí chủ chốt trong các đơn vị thành viên nên khi triển khai hoạt động công đoàn rất thuận lợi, tạo hiệu quả trong công tác” – ông Lâm Tường Thoại cho biết.

Nguồn: cuocsongantoan.vn