Skip to content Skip to navigation

Đại học Quốc gia TPHCM đề xuất một kỳ thi chung

Theo đề xuất, thí sinh phải thi hai môn công cụ là Toán - Logic và Tiếng Việt, được chọn 1 trong 3 môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội hoặc Ngoại ngữ.

 

Bộ GD&ĐT vừa công bố đề án tuyển sinh của ĐH Quốc gia TP HCM, với 2 quy trình: đánh giá năng lực và xét tuyển. Phần đánh giá năng lực sẽ đánh giá được kiến thức, kỹ năng cần thiết để học đại học. Các tiêu chí xét tuyển gồm kết quả đánh giá năng lực và các tiêu chí phù hợp khác thể hiện tính tự chủ của các trường.

Theo đề án, việc đánh giá năng lực thí sinh sẽ được thực hiện bởi một đơn vị chuyên trách, có trách nhiệm xây dựng, quản lý ngân hàng đề thi và chủ trì, phối hợp tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực thí sinh.

daihocquocgia-tphcm-7092-1394193046.jpg

Đề án tuyển sinh của ĐH Quốc gia TP HCM đề xuất thống nhất một kỳ thi.

Sơ đồ công nghệ tuyển sinh.

ĐH Quốc gia TP HCM đề xuất thống nhất một kỳ thi trong đó có các môn thi cơ bản (kiến thức và năng lực tư duy) để đánh giá năng lực của thí sinh. Việc tổ chức thi được thực hiện theo 7 bước gồm: Thông tin về kỳ thi và phương thức thi; Đăng ký dự thi theo mẫu; Tổng hợp cơ sở dữ liệu đăng ký dự thi của thí sinh; Thông tin đến thí sinh (qua thư điện tử và giấy báo thi); Tổ chức thi đánh giá năng lực tại các Hội đồng thi; Chấm thi và xử lý kết quả; Xét tuyển.

Trường này cũng kiến nghị điều chỉnh lại phương thức đánh giá năng lực thí sinh dựa chủ yếu vào trắc nghiệm thành quả học tập. Các câu hỏi được xây dựng trên cơ sở chương trình THPT, bổ sung một phần câu hỏi trắc nghiệm năng lực.

Các môn thi được cơ cấu lại bao gồm: Toán-Logic, tiếng Việt, Khoa học tự nhiên (liên quan đến môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (liên quan đến môn Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân) và Ngoại ngữ (một trong các thứ tiếng Anh, Pháp, Trung, Nga, Đức).

Toán-Logic và Tiếng Việt sử dụng phương pháp trắc nghiệm khách quan kèm phần tự luận ngắn. Phần tự luận của đề Toán nhằm đánh giá năng lực suy nghĩ chính xác và kỹ năng tính toán trong các vấn đề toán học; phần tự luận của đề tiếng Việt nhằm đánh giá năng lực xây dựng ý tưởng, khả năng diễn đạt cũng như vốn từ ngữ tiếng Việt (sẽ có quy định để thí sinh viết không quá dài).

Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội được ra dưới dạng tích hợp các môn tương ứng Vật lý, Hóa học, Sinh học và Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân, sử dụng phương pháp trắc nghiệm.

Ngoại ngữ có hình thức câu hỏi trắc nghiệm. Hai môn Toán-Logic, Tiếng Việt là bắt buộc và thí sinh được chọn một trong ba môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội hoặc Ngoại ngữ.

Sau khi sơ tuyển, thí sinh dựa vào kết quả 3 môn chính nói trên, các trường có thể xét tuyển kết hợp với các thông tin khác hoặc tổ chức thêm một kỳ đánh giá chung. Nếu trong 3 môn chính không có Ngoại ngữ thì thí sinh có thể thi thêm môn Ngoại ngữ như là môn cộng điểm.

Theo ĐH Quốc gia TP HCM, các môn thi lựa chọn như trên thỏa mãn được yêu cầu chung của hai hướng lớn về ngành nghề là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Quy định viết ngắn với câu hỏi Tiếng Việt buộc thí sinh phải suy nghĩ cẩn thận nhằm lựa chọn bố cục, cân nhắc chín chắn khi diễn đạt để thể hiện khả năng viết cô đọng. Việc lựa chọn các môn thi như trên giúp học sinh không học lệch, tạo được định hướng chung nhất về ngành nghề của bản thân trong tương lai.

Trường dự kiến áp dụng hình thức tuyển sinh mới từ năm 2015 cho một số ngành, trường. Từ năm 2016 sẽ áp dụng toàn diện phương thức tuyển sinh này.

Khẳng định tính khả thi của đề án, ĐH Quốc gia TP HCM cho biết, có đội ngũ cán bộ, giảng viên mạnh về chất lượng và số lượng trong các lĩnh vực về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn đến các lĩnh vực công nghệ kỹ thuật, kinh tế, quản lý... Hiện, trường có hơn 5.600 cán bộ, viên chức, trong đó có 249 Giáo sư, Phó giáo sư, gần 1.100 tiến sĩ, khoảng 1.900 thạc sĩ.

Đề án tuyển sinh riêng của ĐH Quốc gia TP HCM đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến.