I. Kiến ba khoang và peaderin:
Kiến ba khoang có tên khoa học Paederus fuscipes , là một loại bọ cánh cứng có kích thước dài khoảng 7-10mm, ngang khoảng 0.5-1mm với đặc trưng đầu và đuôi màu đen xen kẽ với những khoang màu cam. Đây là một loài thiên địch trong nông nghiệp tuy nhiên do thường bị thu hút bởi ánh đèn nên việc chúng tiến vào nhà ở hay các khu dân cư lại gây nhiều tác hại cho con người.
Kiến ba khoang không cắn hay chích con người nhưng việc chúng ta vô tình chà xát chúng vào da sẽ gây giải phóng một loại dịch cơ thể của chúng có chứa chất paederin là một chất hóa học có khả năng gây nên bóng nước ở da.
Gần đây người ta đã tìm thấy việc sản xuất chất paederin dựa trên hoạt động của một số loại vi khuẩn sống cộng sinh bên trong cơ thể của kiến ba khoang như loài Pseudomonas spp. Đây là một loại hóa chất có khả năng gây viêm da mạnh, tạo bóng nước trong vòng 24 giờ sau khi tiếp xúc với da.
II. Biểu hiện của viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang:
Paederin gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc kích ứng sau khi con người vô tình chạm phải. Mức độ biểu hiện tùy thuộc vào nồng độ, thời gian tiếp xúc và vùng da tiếp xúc.
Ở những trường hợp nhẹ có thể chỉ là dát, sẩn hồng ban nhẹ ở da kéo dài vài ngày sẽ tự khỏi.
Ở những trường hợp trung bình, ban đầu là dát, sẩn hồng ban sau đó sẽ hình thành mụn nước, bóng nước tại vị trí tiếp xúc. Sau khoảng vài ngày đến tuần, bóng nước sẽ khô, tróc vảy tại chỗ để lại dát tăng hoặc giảm sắc tố kéo dài.
Ở những trường hợp nặng, tình trạng bóng nước có thể to hơn, loét sâu hơn kèm những triệu chứng khác như sốt, đau tại chỗ, đau khớp, nôn...
Đặc điểm chung của viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang thường là sang thương thành vệt theo đường chà xát kiến trên da và/hoặc dạng thương tổn đối xứng tại những nếp gấp như khuỷu tay, khuỷu chân, nách, bẹn kèm cảm giác bỏng rát, đau tại nơi tổn thương. Thông thường ở những trường hợp nhẹ-trung bình, viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang không gây ra quá nhiều khó chịu trừ khi vùng sang thương bị bội nhiễm vi khuẩn. Ngoài ra người bệnh có thể vô tình chạm vào vùng sang thương và mang paederin đến những vùng khác thông qua bàn tay của chính mình như vùng mặt hay bộ phận sinh dục và gây nên những thương tổn tại những khu vực này.
III. Cách xử trí và phòng tránh:
*Xử trí:
- Nếu có kiến ba khoang đang bò trên người, bạn hãy lấy nó ra khỏi người bằng cách thổi bay hoặc để một tờ giấy cho kiến bò lên và lấy nó ra. Sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc bằng xà phòng dịu nhẹ và nước muối sinh lý NaCl 0.9%.
- Không nên đập chết hoặc chà xát chúng trên da. Nếu bạn lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng xà phòng dịu nhẹ và nước muối sinh lý NaCl 0.9% để hạn chế độc tính. Sau đó nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa Da liễu.
*Phòng tránh:
- Đề phòng kiến ba khoang bay vào nhà bằng cách hạn chế mở cửa, nhất là nơi ở gần cánh đồng, nhiều cây cối rậm rạp,...
- Tránh đứng dưới bóng đèn sáng trong đêm, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang bị thu hút bởi ánh đèn huỳnh quang.
- Không dùng tay trần để bắt, giết, miết kiến ba khoang.
- Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.
- Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài, nhất là những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình xây dựng.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Y Tế, Cục Y Tế Dự phòng (2015). Một số thông tin về kiến ba khoang.
2. Bệnh viện Da liễu TP.HCM (2019). Kiến ba khoang: phòng ngừa viêm da tiếp xúc.
3. Sở Y Tế Nam Định (2019). Xử trí khi bị kiến ba khoang cắn và cách phòng chống.
4. Mammino J. J. (2011). Paederus dermatitis: an outbreak on a medical mission boat in the Amazon. The Journal of clinical and aesthetic dermatology, 4(11), pp.44–46.
5. Ebrahimzadeh, M. A., Rafati, M. R., Damchi, M., Golpur, M., & Fathiazad, F. (2014). Treatment of Paederus Dermatitis with Sambucus ebulus Lotion. Iranian journal of pharmaceutical research : IJPR, 13(3), pp.1065–1071.
Bs Văn Đặng Hữu Đức, chuyên khoa da liễu, khoa Y Đại Học Quốc Gia