Skip to content Skip to navigation

Tìm hiểu về bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng

Bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng là bệnh thường gặp, xảy ra do tổn thương trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng, gây ra các triệu chứng đường tiêu hóa trên như đau bụng, buồn nôn...

Bệnh có thể chữa trị được hoàn toàn, nhưng nếu bệnh kéo dài có thể dẫn đến các biến chứng nặng nề như: xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày – tá tràng, hẹp môn vị

Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là gì?

Viêm loét dạ dày-tá tràng là căn bệnh gây tổn thương viêm và loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu ruột non). Bệnh khá thường gặp với tỷ lệ từ 4 – 6% ở phương Tây và trên 10% ở châu Á, hay gặp ở lứa tuổi 30 – 50 tuổi, ở nam nhiều hơn nữ. Loét tá tràng thường gặp nhiều nhất, 3 đến 4 lần nhiều hơn loét dạ dày.


Hình ảnh nội soi bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng: (a) Loét tá tràng và (b) Loét dạ dày
Hình ảnh nội soi bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng: (a) Loét tá tràng và (b) Loét dạ dày

Biểu hiện bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng

- Trường hợp điển hình: bệnh nhân có các cơn đau xoắn vặn, nóng rát thượng vị, không lan, xuất hiện đều đặn vào một giờ nhất định sau bữa ăn (1-3 giờ sau ăn với loét dạ dày; 3-5 giờ sau ăn với loét tá tràng). Đau giảm khi uống sữa hay dùng thuốc antacide, tăng với các thức ăn chua, nhiều axít (dứa, chanh…). Đau thường tái phát theo chu kỳ, thường vào mùa lạnh.

- Trường hợp không điển hình: đau không liên quan đến bữa ăn, không có tính chu kỳ hoặc bệnh nhân hoàn toàn có thể không có triệu chứng.

- Ngoài ra bệnh nhân còn có thể có một số triệu chứng khác như: Đầy bụng, khó tiêu, chướng hơi, buồn nôn hoặc nôn, ợ hơi, ợ chua, sụt cân hoặc tăng cân, mất ngủ, ngủ không ngon giấc.

Nguyên nhân của bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng

  • Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): vi khuẩn HP là loại xoắn khuẩn sống trên lớp nhầy niêm mạc dạ dày. Loại vi khuẩn thường lây qua đường tiêu hóa (sử dụng chung chén, muỗng , đũa, ly nước..)hoặc sử dụng thực phẩm có nhiễm Hp (ví dụ: rau xanh tưới bằng nguồn nước có nhiễm Hp). Và tỉ lệ người mắc bệnh viêm loét dạ dày do vi khuẩn này gây ra chiếm từ 70 – 90%.
  • Sử dụng thuốc: do người bệnh đã từng hoặc vẫn đang sử dụng một số loại thuốc gây ảnh hưởng đến dạ dày như Aspirin, Steroide và thuốc chống viêm, thuốc điều trị loãng xương,..
  • Ăn uống: sử dụng nhiều thực phẩm cay, nóng, nhiều dầu mỡ hoặc các chất kích thích như rượu, bia, thức uống có gas, thuốc lá,… gây viêm loét dạ dày.
  • Tâm lý: tình trạng căng thẳng kéo dài, tức giận, buồn bực là một trong những nguyên nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng.

http://images.benhvien115.com.vn/Images/Uploaded/Share/2019/11/08/3e1BVnhandan115Tac-nhan-loet-DDTT.jpg

Biến chứng của bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng

Bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng nếu không được điều trị dứt điểm sẽ trở thành mạn tính và có thể dẫn đến các biến chứng có ảnh hưởng nghiêm trọng như:

- Thủng dạ dày–tá tràng: hiện nay ít gặp, dấu hiệu của thủng là bệnh nhân có hiện tượng đau bụng dữ dội đột ngột, đau như xuyên, bụng co cứng, tình trạng sốc…

- Xuất huyết tiêu hóa trên: dấu hiệu của vết loét chảy máu bao gồm các triệu chứng như nôn ra máu, đi cầu ra máu hay phân đen, chóng mặt, choáng váng… có thể dẫn đến tình trạng mất máu cấp, nặng phải cầm máu bằng nội soi hay phẫu thuật.

- Hẹp môn vị: đây là dạng sẹo co thắt của ổ loét xơ chai gây thu hẹp lòng dạ dày – tá tràng tại nơi đó, làm cho thức ăn khó có thể đi qua. Các dấu hiệu của hẹp môn vị như là nôn thức ăn của các bữa ăn trước, bụng óc ách thức ăn cũ và sút cân nhanh.

Các biến chứng kể trên đều rất nghiêm trọng và có thể cần can thiệp cấp cứu. Bệnh nhân nên đến bệnh viện gần nhất khi có dấu hiệu nghi ngờ.

Điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng

Để điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng thì người bệnh cần phải thực hiện các bước chẩn đoán bằng cách khám lâm sàng để tìm ra mức độ viêm loét. Thông thường việc chẩn đoán được thực hiện bằng những cách sau đây:

  • Xét nghiệm máu: để kiểm tra tình trạng thiếu máu
  • Xét nghiệm phân: để kiểm tra máu có lẫn trong phân hay không
  • Nội soi dạ dày tá tràng: bác sĩ sẽ thực hiện nội soi bằng cách đưa một ống dài có gắn camera từ miệng xuống dạ dày để kiểm tra

Sau khi thực hiện khám lâm sàng, bác sĩ sẽ căn cứ vào mức độ sẽ lựa chọn ra phương pháp điều trị bệnh như sau:

  • Sử dụng thuốc ức chế axit: thuốc được cho sử dụng phổ biến là thuốc bơm ptoton và H2 có tác dụng làm giảm sản xuất axit trong dạ dày. Khi lượng axit giảm đồng nghĩa là các vết loét dần hồi phục.
  • Tiệt trừ H.Pylori: phần lớn nguyên nhân gây viêm loét dạ dày – tá tràng là do vi khuẩn HP tấn công, vì thế cần phải tiêu diệt tận gốc con vi trùng này, khi đó nguy cơ viêm loét sẽ được giảm đi đáng kể.
  • Ngừng sử dụng thuốc chống viêm nếu vết loét là do thuốc chống viêm gây ra: bác sĩ sẽ kê toa cho sử dụng thuốc ức chế axit để ngăn ngừa dạ dày tạo axit. Nếu người bệnh sử dụng thuốc kháng viêm để làm giảm các triệu chứng khác thì bắt buộc phải sử dụng thuốc ức chế axit vô thời hạn
  • Phẫu thuật: ca phẫu thuật sẽ tiến hành khi tình trạng viêm loét gây chảy máu, thủng dạ dày – tá tràng, hẹp môn vị hoặc ung thư hóa.

Phòng tránh viêm đau dạ dày – tá tràng

Viêm loét dạ dày – tá tràng là căn bệnh khá nguy hiểm, do vậy, người bệnh cần thay đổi nếp sống sinh hoạt bằng những biện pháp phòng ngừa sau đây:

  • Hạn chế sử dụng các loại chất kích thích như: bia, rượu, nước ngọt, thuốc lá, trà, cà phê.
  • Hạn chế sử dụng các loại thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau.
  • Tạo thói quen ăn uống và nghỉ ngơi khoa học: ăn chậm, nhai kỹ, thường xuyên ăn sáng, tập thói quen ăn uống đúng giờ tránh ăn khuya. Tránh ăn các loại thức ăn cay, nóng hoặc quá chua.
  • Tập thể dục: tập thể dục đều đặn giúp nâng cao tinh thần sức khỏe, vận động cơ thể 30 phút mỗi ngày giúp tâm trạng thoải mái

Ths. Bs Hà Vũ - khoa Y ĐHQG TP.HCM

Tài liệu tham khảo

Feldman, M., et al. (2015). Sleisenger and Fordtran's Gastrointestinal and Liver Disease: Pathophysiology, Diagnosis, Management. Philadelphia, Saunders/Elsevier.

Laine, L. (2015). Gastrointestinal Bleeding. Harrison's principles of internal medicine, Mc Graw Hill Education: 276- 279.

Sung, J. J., et al. (2018). "Asia-Pacific working group consensus on non-variceal upper gastrointestinal bleeding: an update 2018." Gut 67(10): 1757-1768.