Skip to content Skip to navigation

Bệnh Bạch Hầu: Những điều cần biết

Từ đầu tháng 6 đến nay, nước ta đã phát hiện 12 ca bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và 1 ca bệnh ở TPHCM. Trong đó có 1 trường hợp tử vong là bé gái 9 tuổi sống tại Quảng Hoà, Đắk Nông.

Trong thời kỳ chưa có vắc xin dự phòng, bệnh bạch hầu lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới, gây nên các vụ dịch nghiêm trọng, đặc biệt ở các thành phố có mật độ dân cư cao. Bệnh thường xuất hiện vào những tháng lạnh, ở vùng ôn đới. Ở Việt Nam, từ khi thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng, tỷ lệ mắc bạch hầu đã giảm dần từ 3,95/100.000 dân năm 1985 xuống 0,14/100.000 dân năm 2000. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh bạch hầu liên tục xuất hiện những ca rải rác ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, chủ yếu là những khu vực vùng sâu vùng xa có tỉ lệ tiêm chủng thấp. Đây là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh qua đường hô hấp, biến chứng khó lường và có tỉ lệ tử vong cao. Người dân cần tìm hiểu, cập nhật thông tin về bệnh và chủ động phòng tránh.

Bệnh bạch hầu lây lan như thế nào?

Bệnh bạch hầu (tiếng Anh: Diptheria) là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc cấp tính do trực khuẩn Corynebacterium diphtheria gây ra. Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể. Dấu hiệu đặc trưng là giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

- Ổ chứa vi khuẩn là người bệnh và người lành mang vi khuẩn.

- Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn. Con đường lây lan hiếm hơn là do tiếp xúc với vật dụng có dính chất tiết của người nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Vi khuẩn bạch hầu cũng có thể xâm nhập qua da gây tổn thương da (bạch hầu da).

- Thời gian lây truyền có thể bắt đầu từ cuối thời kỳ ủ bệnh, kéo dài khoảng 2 tuần. Nếu được dùng kháng sinh thích hợp có thể rút ngắn thời gian lây truyền.

Ai có nguy cơ nhiễm bệnh?

- Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch đặc hiệu. Trẻ em dưới 15 tuổi và những người đi đến vùng dịch tễ lưu hành bệnh sẽ có nguy cơ cao hơn.

- Đối với trẻ sơ sinh: thường có miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang con nên không mắc bệnh nhưng miễn dịch bảo vệ này sẽ mất đi khi trẻ 6 tháng - 1 tuổi.

- Miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin thường kéo dài khoảng 10 năm, hiệu quả bảo vệ của vắc xin lên đến 97% nhưng giảm dần theo thời gian. Bệnh nhân mắc bạch hầu sau khi khỏi bệnh sẽ không bị mắc lại vì cơ thể được miễn dịch lâu dài.

Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu?

- Sau khi nhiễm khuẩn, thời gian ủ bệnh trung bình từ 2-5 ngày, có thể lâu hơn.

- Tuỳ theo vị trí vi khuẩn gây bệnh mà người bệnh có các triệu chứng khác nhau:

  • Bệnh bạch hầu mũi trước: bệnh khởi phát giống với cảm lạnh; dấu hiệu đặc trưng là sổ mũi, chảy mủ nhầy đôi khi có máu; có màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít xâm nhập vào máu từ vị trí này.
  • Bệnh bạch hầu họng và amidan Bệnh bạch hầu họng và amidan: Đây là vị trí thường gặp nhất. Bệnh nhân thường mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2, 3 ngày xuất hiện lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng. Một số trường hợp, bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ làm cổ bạnh ra như cổ bò. Nếu độc tố đi vào máu nhiều, bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, những bệnh nhân này có thể tử vong trong vòng 6 đến 10 ngày.
  • Bạch hầu thanh quản: Là thể bệnh tiến triển nhanh và nguy hiểm. Triệu chứng gồm sốt, khàn giọng, ho. Màng giả phát triển tại chỗ hoặc có thể do bạch hầu vùng họng và amidan lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, màng giả có thể gây tắc nghẽn đường thở, suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.

Bạch hầu da

  • Bạch hầu da: Hay gặp ở người vô gia cư, phổ biến ở vùng nhiệt đới. Tổn thương da có thể là phát ban vảy hoặc vết loét da có bờ rõ. Dòng vi khuẩn gây ra bệnh ở da hiếm khi tiết độc tố, bệnh nhẹ hơn những dạng lâm sàng khác.
  • Bạch hầu ở các vị trí khác có thể gặp là kết mạc mắt, niêm mạc vùng âm hộ âm đạo hoặc lỗ tai ngoài.

 

 

 

Các biến chứng của bệnh?

Hầu hết các biến chứng của bệnh là do ngoại độc tố gây ra. Biến chứng thường gặp nhất là viêm cơ tim và viêm dây thần kinh.

  • Viêm cơ tim: biểu hiện bằng các rối loạn nhịp tim, có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi bênh đã khỏi. Khi viêm cơ tim xuất hiện sớm trong những ngày đầu của bệnh, tiên lượng thường rất xấu, tỉ lệ tử vong rất cao.
  • Viêm dây thần kinh: thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động, có thể hồi phục hoàn toàn. Liệt màn khẩu cái thường xuất hiện vào tuần thứ ba của bệnh. Liệt các dây thần kinh vận nhãn , cơ chi và liệt cơ hoành có thể xảy ra vào tuần thứ năm của bệnh. Viêm phổi thứ phát và suy hô hấp có thể xuất hiện do hậu quả của liệt cơ hoành. Ở trẻ em có thể gặp biến chứng viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp.

Tỉ lệ tử vong vào khoảng 5-10%, có thể tăng cao đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi. Tỉ lệ tử vong của bệnh bạch hầu dường như không thay đổi trong 50 năm qua.

Cách điều trị và phòng ngừa?

Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế có đủ điều kiện để điều trị và cách ly kịp thời với mọi người xung quanh để tránh lây lan bệnh.

Điều trị bệnh bằng việc trung hòa các độc tố trong máu bằng cách tiêm huyết thanh kháng độc tố bạch hầu. Đồng thời điều trị kháng sinh chống nhiễm khuẩn cho bệnh nhân.

Phòng ngừa

Tiêm vắc-xin là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa bệnh bạch hầu.

Các vắc-xin phòng bệnh bạch hầu hiện có tại Việt Nam:

+ Trong chương trình tiêm chủng mở rộng:

- Vắc-xin 5 trong 1 Combi-Five: phối hợp phòng 5 bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà - viêm phổi do HIB - viêm gan B

- Vắc-xin DTP phòng bạch hầu - uốn ván - ho gà

- Vắc-xin bạch hầu - uốn ván cho nhóm đối tượng người lớn có nguy cơ cao, chỉ được sử dụng trong chiến dịch khi có dịch bệnh.

+ Tiêm chủng dịch vụ:

- Vắc xin 6 trong 1 Hexaxim (Pháp) hoặc Infanrix Hexa (Bỉ): phòng 6 bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - Hib - viêm gan B

- Vắc xin 5 trong 1 Pentaxim (Pháp): phòng 5 bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt - Hib

- Vắc xin 4 trong 1 Tetraxim (Pháp) phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - bại liệt

- Vắc xin Adacel (Pháp), Boostrix (Bỉ) phòng 3 bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván

 

 

Lịch tiêm thông thường gồm 4 mũi cơ bản, được tiêm vào lúc 2-3-4 tháng tuổi và nhắc lại lúc 18 tháng tuổi.

Sau khi đã có miễn dịch với bạch hầu lúc nhỏ, cần tiêm nhắc lại để duy trì miễn dịch vì khả năng miễn dịch với bạch hầu sẽ giảm theo thời gian.

Nếu trẻ tiêm đủ 4 mũi trước 4 tuổi nên nhắc lại mũi 5 vào trước độ tuổi đi học (4-6 tuổi), sau đó là lúc 11 – 12 tuổi và mỗi 10 năm.

Tiêm nhắc lại đặc biệt quan trọng khi bạn du lịch đến nơi có tần suất bạch hầu cao.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.cdc.gov/vaccines/pubs/pinkbook/dip.html

2. https://www.cdc.gov/vaccines/vpd/diphtheria/index.html

3. http://vncdc.gov.vn/vi/danh-muc-benh-truyen-nhiem/1084/benh-bach-hau

Ths Bs Nguyễn Hồ Hồng Hạnh