Nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội tại CĐCS Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM
Nguyễn Dương Tâm Anh
Phó Chủ Tịch CĐ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM
Khái niệm “Chất lượng đào tạo”
Chất lượng là một khái niệm mang tính tương đối và quan niệm này với mỗi người mỗi khác nhau. Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đại học, chúng tôi rất đồng ý với hai định nghĩa về khái niệm “chất lượng”. Thứ nhất, “chất lượng là sự đạt được một số tiêu chuẩn đặt trước” và thứ hai “chất lượng là sự đáp ứng nhu cầu xã hội”. Do vậy, chúng tôi xin phép được dựa vào 2 định nghĩa trên về khái niệm chất lượng để mạn đàm về vấn đề “Nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội tại CĐCS Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH KHTN), ĐHQG-HCM”.
Quy mô đào tạo của ĐH KHTN, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM), thuộc trong Top 750 trường/nhóm trường đại học tốt nhất thế giới. ĐHQG-HCM tổ chức đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, đa ngành có chất lượng cao, giữ vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam. Là một thành viên nòng cốt của ĐHQG-HCM cũng như là một trường ĐH trọng điểm của cả nước với sứ mạng trở thành trung tâm đào tạo, NCKH chất lượng cao, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên rất quan tâm đến việc cải tiến nâng cao chất lượng đào tạo liên tục thông qua việc kiểm định chất lượng giáo dục nhằm để giữ vững và nâng cao uy tín trong xã hội, đồng nghĩa khẳng định thương hiệu của Trường. Theo xu thế phát triển của ngành giáo dục đại học hiện đại, hiện nay Trường ĐH KHTN ứng dụng hoạt động kiểm định như là một công cụ hiệu quả để kiểm soát và đảm bảo chất lượng đào tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của Trường và đáp ứng hiệu quả nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực chuyên môn chất lượng cao đa lĩnh vực.
Trường KHTN hiện có 9 khoa, 1 Viện nghiên cứu, 9 Phòng thí nghiệm chuyên sâu trong đó có 4 Phòng thí nghiệm trọng điểm cấp ĐHQG-HCM, 16 trung tâm đào tạo, nghiên cứu, dịch vụ đào tạo và chuyển giao công nghệ với với 16 ngành đào tạo Cử nhân, 32 ngành đào tạo Thạc sĩ và 28 ngành đào tạo Tiến sĩ thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Thành quả nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của trường ĐH KHTN
Đạt một số chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục
- Cấp cơ sở
Năm 2014, đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục bởi đoàn đánh giá ngoài nội bộ cấp cơ sở của ĐHQG – HCM.
Năm 2017 - 2022, đạt Công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục theo Bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục & Đào tạo bởi Trung tâm Kiểm Định Chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội với tỷ lệ các tiêu chí đạt yêu cầu là 86,9%.
Định hướng tương lai: đạt công nhận tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định quốc tế như AUN-QA (Mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN) và HCERES (Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp)…
- Cấp chương trình đào tạo
Năm 2009 – 2016, 05 Khoa gồm Công nghệ thông tin, Toán – Tin, Hóa Học, Sinh Học và Khoa Học Môi Trường đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục bởi đoàn đánh giá ngoài nội bộ cấp cơ sở của ĐHQG-HCM.
Năm 2009, Khoa Công nghệ thông tin đạt công nhận tiêu chuẩn của tổ chức AUN-QA.
Năm 2016, Khoa Hóa Học đạt công nhận tiêu chuẩn của tổ chức AUN-QA.
Năm 2017, Khoa Sinh Học đạt công nhận tiêu chuẩn của tổ chức AUN-QA.
Năm 2018, chương trình Thạc sĩ ngành Công nghệ Sinh Học đã được kiểm định chính thức bởi tổ chức AUN-QA và đang chờ kết quả.
Định hướng phát triển: Mỗi năm sẽ có ít nhất 1 chương trình đào tạo được đánh giá và triển khai và đề cử Khoa Công nghệ thông tin tham gia kiểm định ABET.
Tính đáp ứng nhu cầu xã hội của Trường ĐH KHTN
Hằng năm, Trường ĐH KHTN có khoảng 2.500 SV bậc ĐH, CĐ và trên 450 học viên SĐH tốt nghiệp cung cấp lực lượng cán bộ giảng dạy về khoa học cơ bản và công nghệ mũi nhọn cho các trường ĐH và cao đẳng khác; cung cấp lực lượng cán bộ khoa học cho các Viện nghiên cứu, các cơ quan xí nghiệp trong nước.
Trường ĐH KHTN đã hình thành một số nhóm nghiên cứu mạnh về khoa học mũi nhọn trong đó khẳng định được 02 lĩnh vực có vị thế cao trong cả nước là Công nghệ Sinh học và Công nghệ thông tin. Trường cũng đang từng bước xác lập thế mạnh trong hướng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, năng lượng hạt nhân…
Phương thức đào tạo của Trường đa dạng, nhiều ngành, nhiều hệ nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và xã hội. Năm 2017, Trường có 87,8% sinh viên tìm được việc làm trong 1 năm đầu tiên sau khi tốt nghiệp.
Trường có các kênh tư vấn hướng nghiệp và các chương trình hoạt động đa dạng nhằm hỗ trợ kỹ năng nghề nghiệp cho người học.
Chiến lược và tiến trình nâng cao CLGD&ĐT của Trường ĐH KHTN
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khái niệm “đảm bảo chất lượng” là “quá trình liên tục bao gồm các hoạt động đánh giá, kiểm soát, duy trì và cải tiến” chất lượng.
Xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ của Trường
Trường hình thành và hoàn thiện các đơn vị chuyên trách các cấp làm công tác đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐBCL) với đội ngũ cán bộ có năng lực để triển khai các hoạt động ĐBCL nhằm duy trì và nâng cao chất lượng toàn bộ các hoạt động liên quan đào tạo của Trường từ năm 2005.
- Phòng Khảo thì và ĐBCL: có vai trò tham mưu về các chiến lược ĐBCL, tư vấn, theo dõi, điều phối các hoạt động ĐBCL toàn trường.
- Tổ công tác ĐBCL: có nhiệm vụ là đầu mối và phụ trách công tác ĐBCL tại các đơn vị, đồng thời hỗ trợ cho phòng ĐBCL của Trường trong công tác ĐBCL và kiểm định chất lượng giáo dục.
- Cán bộ chuyên trách công tác ĐBCL cũng như đội ngũ tổ ĐBCL thường xuyên được cử tham gia các khóa tập huấn nghiệp vụ về ĐBCL và kiểm định chất lượng giáo dục. Hiện nay, Trường có 12 cán bộ hoàn thành khóa đào tạo kiểm định viên, 04 cán bộ được tập huấn đánh giá viên cấp CTĐT theo tiêu chuẩn AUN-QA, hơn 500 lượt cán bộ tham gia các buổi tập huấn, hội thảo về ĐBCL.
- Trung tâm Nghiên cứu cải tiến Phương pháp dạy và học ĐH (CEE): thành lập từ năm 2007 với mục tiêu nâng cao phương pháp dạy và học ở bậc ĐH với các phương pháp học mới, có sự hỗ trợ công cụ giảng dạy và học tập tiên tiến cho GV và SV gắn liền với nhu cầu thực tế của xã hội. Đến nay đã có hơn 500 GV torng trường đã tham gia khóa học đổi mới phương pháp dạy - học do CEE tổ chức. Chương trình, tài liệu được trung tâm biên soạn theo hướng phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu và làm việc nhóm.
Xây dựng văn hóa đảm bảo chất lượng trong Trường ĐH KHTN
Văn hóa chất lượng theo cách định nghĩa đơn giản của GS.TS. Mai Trọng Nhuận là “thói quen làm cho mọi việc có chất lượng”. Như vậy, văn hóa chất lượng của một cơ sở đào tạo là mọi thành viên (người học, người dạy, người quản lý), mọi tổ chức (bộ môn, khoa, phòng ban, tổ chức đoàn thể) trong cơ sở đào tạo đó đều nhận thức rõ công việc của mình thế nào là có chất lượng và đều thực hiện chức trách công việc của mình theo yêu cầu chất lượng.
Trong quá trình xây dựng văn hóa chất lượng, Trường ĐH KHTN đã cơ bản thiết lập được hệ thống các môi trường đảm bảo việc thực hiện các hoạt động trong trường có chất lượng và không ngừng cải tiến chất lượng đào tạo.
- Về môi trường học thuật, Trường đã xây dựng chiến lược, kế hoạch và đầu tư thích đáng cho các hoạt động học thuật phù hợp với sứ mạng và định hướng phát triển là một trường ĐH nghiên cứu; khuyến khích hợp tác chia sẻ học thuật giữa các thành viên trong và ngoài trường; liên tục bồi dưỡng và phát triển chuyên môn cho VBVC-LĐ.
- Về môi trường xã hội, Trường ĐH KHTN đã xây dựng tầm nhìn, sứ mạng và mục tiêu phù hợp với nguồn lực và vị thế của Trường, thiết lập cơ cấu tổ chức và phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trong Trường cũng như xác lập cơ chế điều hành, phối hợp và đánh giá hiệu quả hoạt động các đơn vị.
- Về môi trường nhân văn, Trường ĐH KHTN đã thực hiện các quyền dân chủ toàn diện đối với đội ngũ CBVC-LĐ; thực hiện đầy đủ các quyền lợi cơ bản theo chế độ chính sách của nhà nước cho đội ngũ CBVC-LĐ; xây dựng cơ chế, chính sách và biện pháp để đội ngũ CBVC-LĐ thực hiện đầy đủ, đạt chất lượng đối với Trường.
- Về môi trường văn hóa, Trường ĐH KHTN đã xây dựng các quy tắc ứng xử tôn trọng, hợp tác, hỗ trợ lần nhau vì sự nghiệp và danh tiếng của Trường, thực hiện đạo đức, lối sống lành mạnh, lưu giữ và phát huy truyền thống dạy tốt – học tốt, lòng tự hào là người Giảng viên – Sinh viên của Trường ĐH KHTN; thực hiện các hoạt động giao lưu, hợp tác để xây dựng sự cam kết, chia sẽ, ý thức nỗ lực không ngừng, mong muốn liên tục cải tiến trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của Trường từ lãnh đạo Trường đến cán bộ viên chức, từ giảng viên đến sinh viên.
- Về môi trường tự nhiên, Trường ĐH KHTN đã xây dựng kiến trúc, cảnh quan trường sạch đẹp, hài hòa, hợp lý; đảm bảo chất lượng cơ sở vật chất và tài chính; đảm bảo Thư viện phục vụ tốt cho hoạt động dạy, học và nghiên cứu; đảm bảo ký túc xác và các điều kiện sinh hoạt tốt cho sinh viên nội trú; đảm bảo an ninh trật tự, đời sống văn hóa, nghệ thuật, điều kiện hoạt hoạt thể dục thể thao hco SV, CBVC-LĐ của Trường.
Vai trò của Công đoàn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo ở Trường ĐH KHTN
Hiện nay Công đoàn Trường ĐH KHTN có số lượng công đoàn viên là 868 (trong đó có 419 nữ), sinh hoạt trong 16 Công đoàn Bộ phận (CĐBP) và 07 Tổ Công đoàn Trực thuộc (CĐTT). BCH Công đoàn Trường là một tập thể đoàn kết, có tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình, hoạt động có hiệu quả, đạt nhiều thành tích tốt, hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra. Trong công tác nâng cao chất lượng đào tạo của Trường ĐH KHTN, Công đoàn Trường là tổ chức quan trọng trong việc giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch, chiến lược của Trường, trong đó có kế hoạch chiến lược ĐBCL, phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với lãnh đạo Trường trong các hoạt động, tạo hiệu quả công việc cao.
Trực tiếp và thường xuyên xây dựng ý thức nâng cao chất lượng đào tạo cũng như văn hóa đảm bảo chất lượng của Trường thông qua việc đẩy mạnh công tác chuyên môn.
- Tổ chức Ngày họp mặt Truyền thống tại các Khoa hàng năm trong đó Công đoàn Khoa là thành phần chủ chốt của ban tổ chức. Tại ngày họp mặt, thầy trò các thế hệ gồm thầy cô về hưu, thầy cô đương nhiệm, sinh viên, cựu sinh viên tề tụ về nơi họ đã được họp tập suốt các năm đại học ôn lại những kỷ niệm, truyền thống tôn sư trọng đạo, cùng như củng cố niềm tin, niềm tự hào, các giá trị tinh thần của những người con được đào tạo dưới mái trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM.
Công đoàn đóng vai trò rất lớn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ ĐBCL, đặc biệt thành viên của đội ngũ “key team” chịu trách nhiệm triển khai các chương trình nâng cao chất lượng đào tạo như đề án xây dựng CTĐT theo mô hình CDIO, hoạt động tự đánh giá chất lượng đào tạo cấp Khoa và Trường, hoạt động kiểm định chất lượng đào tạo…đa số là cán bộ chủ chốt của công đoàn của Trường.
- Tổ chức rất nhiều đợt tập huấn cho cán bộ chủ chốt về từng bước thực hiện đổi mới theo CDIO.
- Thực hiện gần 100 buổi thảo luận giữa chính quyền Khoa với các đại diện bộ môn trong mỗi Khoa trước khi triển khai thực hiện CDIO.
- Tập huấn 70 – 80% cán bộ giảng viên trong các Khoa về tổng quan CDIO, quá trình thực hiện và các khái niệm về chuẩn đầu ra.
Để nâng cao chất lượng GDĐH cần đổi mới triệt để phương pháp giảng dạy và học tập, về cơ bản cần theo quan điểm lấy người học làm trung tâm, tăng cường ứng dụng CNTT trong giảng dạy và học tập, phối hợp linh hoạt học trên lớp với phương pháp học online, blended,… Công Đoàn Trường đã phối hợp với chính quyền cấp Khoa, Trường tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo đổi mới phương pháp dạy – học và vận động toàn bộ công đoàn viên – giảng viên tích cực tham gia.
- Trường triển khai phương pháp lấy người học làm trung tâm và 100% CĐV là giảng viên đã thực hiện.
- Ở các Khoa lớn như Khoa CNTT, Khoa Hóa học, Khoa Sinh học – CNSH, CĐ Khoa cùng chính quyền Khoa đã nỗ lực hoàn thành việc cập nhật chuẩn đầu ra của các ngành học dựa trên ý kiến của các bên liên quan gồm nhà tuyển dụng, giảng viên, sinh viên và cựu sinh viên.
- Các công đoàn viên là giảng viên các Khoa Toán, Lý, Hóa, Sinh và các thành viên thuộc Nhóm nghiên cứu SL-STEAM phối hợp với trung tâm CMS, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM đã tổ chức các chương trình tập huấn nhằm nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên THCS và THPT theo định hướng STEM.
- Triển khai thông tin và khuyến khích được hơn 100 lượt tham gia của CĐV là giảng viên đến các buổi tập huấn và hội thảo đào tạo giảng viên của dự án BUILD-IT của Đại học Bang Arizona:
- Phát triển chương trình dạy – học theo phương pháp dựa vào dự án (17/7/2017)
- Thu thập, Trình bày và Đánh giá Dữ liệu (18/9/2017)
- Hướng đến việc Đạt Chuẩn Kiểm định: Bài học từ Sự Tham gia Thành công của Giảng viên, Nhân viên và các Nhà Quản lý (ngày 19/9/2017)
- Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp: Xây dựng Mối Quan hệ để Hỗ trợ Nhu cầu của Ngành đào tạo và Nhà trường (ngày 20/9/2017)
- Phương pháp Kiểm tra và Đánh giá Sinh viên trên Lớp học dành cho Giảng viên (02/10/2017)
- BUILD-IT Women in STEM Conference (13/11/2017)
- Hội thảo Xây dựng & Duy trì văn hóa Cải tiến chất lượng (24/01/2018)
- Chuẩn bị cho một chuyến thăm ABET giả định: Chuẩn bị, Tiến trình và Đánh giá (25/01/2018)
- Hội thảo Nâng cao về đánh giá lớp học cho Giảng viên (26/01/2018)
- Chương trình Bồi dưỡng Nâng cao Năng lực Sư phạm cho Giảng viên Khóa I – IV
- Triển khai thông tin và khuyến khích được hơn 70 – 80% CĐV là giảng viên đến các buổi tập huấn và hội thảo đào tạo giảng viên của Trung tâm CEE:
- Các phương pháp dạy – học chủ động
- Phân loại và giảng dạy theo đối tượng người học
- Các kỹ thuật đánh giá Chẩn đoán - Quá trình - Tổng kết
- Phương pháp, kỹ thuật và công cụ đánh giá kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề
- Giảng dạy lớp đông và các vấn đề khi áp dụng các PPGD CĐ trong lớp đông
- Học tập dựa trên dự án và Đánh giá quá trình học tập dựa trên dự án
- Thiết kế đề kiểm tra
- Khóa tập huấn truyền cảm hứng và tạo động lực cho người học
Hoạt động NCKH và hợp tác quốc tế được tích hợp vào hoạt động công đoàn để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này nhằm mục đích nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo tính hội nhập quốc tế của Trường. Đội ngũ GV của trường với 09 GS, 59 PGS, hơn 270 TS với 88,85% đạt trình độ sau Đại học, với 40,18 % có trình độ TS đều là đoàn viên công đoàn là lực lượng chủ chốt đóng vai trò tổ chức và tham gia các hoạt động NCKH và hợp tác quốc tế. Với mục tiêu trở thành trường định hướng nghiên cứu, Công Đoàn Trường tuyên truyền vận động các GV trẻ phải làm NCS ở các nước phát triển để xây dựng đội ngũ GV mạnh, có chuyên môn cao, thành thạo ngoại ngữ, khả dĩ đáp ứng yêu cầu hoàn thành sứ mạng và mục tiêu của trường.
Công đoàn viên các Khoa là cán bộ nồng cốt trong các hoạt động Khoa học. Có 02 thành viên BCH Công Đoàn Trường đạt tiêu chuẩn chức danh và được bổ nhiệm Phó Giáo sư năm 2018. Vừa qua TS. Hoàng Thị Đông Quỳ xuất sắc là một trong năm nhà khoa học nữ trẻ được chương trình Giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho nữ giới L’Oreal – UNESCO trao giải thưởng “Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2017 và học bổng Nghiên cứu khoa học”.
Số liệu về Khoa học Công nghệ (2012 – 2017) của Trường có 122 Hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế và trong nước; 806 Đề tài dự án các cấp; 950 Công bố bài báo quốc tế; Xây dựng và vận hành được 2 tạp chí khoa học quốc tế bằng tiếng Anh vào danh mục của Scopus.
Công đoàn Trường lắng nghe các ý kiến của công đoàn viên về mọi hoạt động của Nhà Trường. Cùng nhà Trường công khai và minh bạch cam kết đảm bảo chất lượng sản phẩm đào tạo đáp ứng mục tiêu đào tạo, vì vậy cần công khai và minh bạch các thông tin về CTĐT, về đội ngũ giảng viên, về cơ sở vật chất và các hoạt động khác của trường để người học và xã hội biết và giám sát.
Đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng của xã hội, của doanh nghiệp (DN) là một yêu cầu bức thiết nhằm tạo ra những người lao động có chất lượng và giảm chi phí, thời gian cho DN tuyển dụng. Hàng năm Công Đoàn, Đoàn Thanh Niên phối hợp với Nhà Trường tổ chức nhiều ngày hội việc làm, các lớp kỹ năng mềm từ cấp Trường đến cấp Khoa và đây cũng là dịp nhà Trường cũng lấy ý kiến và lắng nghe DN để cập nhập, thay đổi chương trình đào tạo cho phù hợp với tình hình của xã hội.
Từ thực tiễn hoạt động công đoàn, chúng tôi đã đúc kết một số kinh nghiệm liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội của cơ sở giáo dục muốn đem chia sẻ và trao đổi tại buổi tọa đàm hôm nay là:
- Đảng ủy, BGH cần nhận thấy rõ vai trò quan trọng của công đoàn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, có sự quan tâm mật thiết và phối hợp chặt chẽ để khai thác tối đa sức mạnh đoàn thể của công đoàn.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có đạo đức tốt, trình độ chuyên môn vững vàng, yêu nghề, nhiệt huyết, trách nhiệm, uy tín cao, luôn đi đầu trong các hoạt động vì sự phát triển của tổ chức.
- Tích hợp nhiệm vụ chính trị vào hoạt động công đoàn một cách thiết thực và phù hợp với nhiệm vụ chính trị của cơ sở và của cá nhân công đoàn viên.
- Việc xây dựng kế hoạch hoạt động công đoàn, tổ chức triển khai hoạt động, phát động phong trào, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm cần đáp ứng được nhu cầu, tâm tư nguyện vọng của CĐV và có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền.
Từ những nhận thức về vai trò của Công đoàn trong sự phát triển của Trường ĐH KHTN nói chung và nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội nói riêng, Ban Chấp hành Công đoàn Trường ĐH KHTN sẽ luôn nỗ lực thực hiện các công việc được giao theo yêu cầu chất lượng. Từ đó, chúng tôi tin tưởng rằng sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng để Trường ĐH KHTN tiếp tục là cơ sở đào tạo về khoa học kỹ thuật có chất lượng và uy tín trong nước, trong khu vực và cả thế giới.