Skip to content Skip to navigation

Lịch sử Quốc hội Việt Nam

 

Quốc hội Việt Nam được hình thành và phát triển cùng với quá trình đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc. Trong cao trào đấu tranh chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp và phát xít Nhật, dưới sự lãnh đạo của Ðảng cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, ngày 16 tháng 8 năm 1945, “Quốc dân đại hội” đã được triệu tập tại Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ðại hội đã thay mặt toàn dân nhất trí tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, cử ra Uỷ ban Dân tộc giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) lãnh đạo toàn dân giành chính quyền và xây dựng chế độ mới. Quốc dân Ðại hội Tân Trào đã góp phần quan trọng tạo nên thắng lợi của Cách mạng tháng 8 và tạo ra cơ sở cho sự ra đời của một thể chế Nhà nước mới, đặt nền móng cho cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và xây dựng Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam, hình thành Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Ðông Nam Á.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Quốc dân Đại hội Tân Trào (tranh minh hoạ)

    

Đình Tân Trào, nơi diễn ra Quốc dân đại hội vào ngày 16 tháng 8 năm 1945

          Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngay sau đó, ngày 6 tháng 1 năm 1946 cuộc Tổng tuyển cử lần đầu tiên trong cả nước đã được tiến hành. Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến... đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử, tự do lựa chọn người đại diện cho mình. Đây là cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên và cũng là sự kiện trọng đại, mở đầu thời kì mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, thể hiện bước nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước ta và sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã họp phiên đầu tiên của Nhiệm kỳ Quốc hội khoá I vào ngày 2 tháng 3 năm 1946.

Ngày 2 tháng 3 năm 1946, tại Nhà hát lớn Hà Nội đã diễn ra phiên khai mạc Quốc hội khóa I, kỳ họp

thứ nhất, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội Việt Nam

          Từ khi ra đời đến nay, với vị trí là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Quốc hội Việt Nam đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển chung của dân tộc.

          Trong giai đoạn từ 1946 đến 1975, cùng với việc xây dựng chế độ dân chủ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Quốc hội đã cùng với Chính phủ đề ra các chủ trương chính sách, tổ chức và động viên toàn dân “kháng chiến, kiến quốc” giành thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước.

          Sau khi đất nước thống nhất, Quốc hội đã cùng với cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, ra sức xây dựng đất nước, kiên cường bảo vệ Tổ quốc đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế, vượt qua nhiều khó khăn để xây dựng, củng cố và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

          Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, Quốc hội không ngừng đổi mới tổ chức và hoạt động nhằm phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, từng bước hoàn thiện việc xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, tăng cường pháp chế và hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước.

           Trên nền tảng tư tưởng cốt lõi của Hiến pháp năm 1946 là “Tất cả quyền lực trong nước đều thuộc về nhân dân”, Quốc hội đã thông qua các Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013, kế thừa và hoàn thiện Nhà nước của dân, do dân, vì dân phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước. Nhiều đạo luật quan trọng đã được Quốc hội ban hành nhằm thể chế hoá quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện quản lý xã hội theo Hiến pháp và pháp luật. Quốc hội đã đề ra các chủ trương, chính sách lớn có liên quan đến quốc kế dân sinh, thực hiện quyền giám sát tối cao trong quá trình thực thi Hiến pháp và luật trên các lĩnh vực đời sống xã hội.

CÁC KHOÁ QUỐC HỘI VIỆT NAM

KHOÁ

Nhiệm kỳ

Số đại biểu*

QUỐC HỘI KHOÁ I

1946 – 1960

403 đại biểu

QUỐC HỘI KHOÁ II

1960 – 1964

453 đại biểu

QUỐC HỘI KHOÁ III

1964 – 1971

455 đại biểu

QUỐC HỘI KHOÁ IV

1971 – 1975

420 đại biểu

QUỐC HỘI KHOÁ V

1975 – 1976

424 đại biểu

QUỐC HỘI KHOÁ VI

1976 – 1981

492 đại biểu

QUỐC HỘI KHOÁ VII

1981 – 1987

496 đại biểu

QUỐC HỘI KHOÁ VIII

1987 – 1992

496 đại biểu

QUỐC HỘI KHOÁ IX

1992 – 1997

395 đại biểu

QUỐC HỘI KHOÁ X

1997 – 2002

450 đại biểu

QUỐC HỘI KHOÁ XI

2002 – 2007

498 đại biểu

QUỐC HỘI KHOÁ XII

2007 – 2011

493 đại biểu

QUỐC HỘI KHOÁ XIII

2011 – 2016

500 đại biểu

*. Số đại biểu vào thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ

Ngày 9 tháng 11 năm 1946, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá I đã thông qua Hiến pháp năm 1946,

Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

Ngày 31 tháng 12 năm 1959, tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa I đã thông qua Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp

của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Nam

Từ ngày 24 tháng 6 đến ngày 3 tháng 7 năm 1976, tại Hội trường Ba Đình, đã diễn ra kỳ họp thứ nhất,

Quốc hội khoá VI, Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất

Ngày 28 tháng 11 năm 2013, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII đã thông qua bản Hiến pháp năm 2013,

Hiến pháp của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế

Nguồn: Sách "Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam" - Văn phòng Quốc hội  3/2015

Nguồn: quochoi.vn