Skip to content Skip to navigation

Ngày Gia đình Việt Nam: Công đoàn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG – HCM) giao lưu với gia đình nhà văn Nguyễn Tấn Phát

Sáng 28/6, nhân kỷ niệm 21 năm ngày Gia đình Việt Nam, Công đoàn ĐHQG-HCM đã phối hợp Thư viện Trung tâm tổ chức chương trình giao lưu với gia đình nhà văn Nguyễn Tấn Phát và giới thiệu tiểu thuyết Tìm lại tình đời của ông.

Đến tham dự chương trình có Bà Huỳnh Thị Ngọc Liên - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nữ công Liên đoàn Lao động TP.HCM, TS Nguyên Hùng, Uỷ viên Ban Chấp hành Hội nhà văn Tp.HCM, PGS.TS Vũ Hải Quân – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQG-HCM, Ths Lâm Tường Thoại – Chủ tịch Công đoàn ĐHQG-HCM cùng với hơn 100 đại biểu là Hội Nhà văn TP.HCM, Ban Chấp hành, Ban Nữ công Công đoàn ĐHQG-HCM và các công đoàn cơ sở, viên chức Thư viện Trung tâm và sinh viên ĐHQG-HCM.

Đã có hơn 20 câu hỏi được người tham dự đặt ra cho gia đình nhà văn Nguyễn Tấn Phát, nhiều câu xoay quanh tác phẩm Tìm lại tình đời - cuốn tiểu thuyết nói về hạnh phúc và đớn đau của tình yêu, hôn nhân và gia đình.

Nhà văn Nguyễn Tấn Phát cho biết ông rất vui khi được chia sẻ tác phẩm này với độc giả, đây là “đứa con tinh thần” được ông “thai nghén” và cho “ra đời” trong những tháng ngày cả đât nước oằn mình vì đại dịch Covid-19; còn trong bệnh viện ông phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật và viết những chương cao trào giữa lằn ranh sinh tử.

Nhà giáo Ưu tú, nhà thơ Huệ Triệu chia sẻ, là một nhà giáo, bà rất tự hào và ngưỡng mộ bút lực dồi dào và sức sáng tạo văn chương của nhà văn, nhà giáo PGS.TS Nguyễn Tấn Phát. “Không chỉ có những trang văn trữ tình, tác giả đã lồng vào đó nhiều bài thơ “rất đời” và rất hay” - nhà thơ Huệ Triệu nói.

Tại buổi giao lưu, gia đình nhà văn Nguyễn Tấn Phát – Đỗ Thị Thanh Hương cũng đã chia sẻ những câu chuyện thực tế và kinh nghiệm ứng xử trong gia đình để vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống.

Bà Thanh Hương cho biết, có giai đoạn nhà văn Nguyễn Tấn Phát chuyển công tác ra Hà Nội, một mình bà vừa đi làm vừa chăm 3 người già là cha mẹ 2 bên và 2 con nhỏ rất vất vả nhưng chính tình yêu đã giúp bà vượt qua tất cả. “Động viên, chia sẻ và nhường nhịn nhau là những điều rất quan trọng trong cuộc sống gia đình” – vợ nhà văn Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.

Nhà văn Nguyễn Tấn Phát sinh năm 1944, tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và từng đảm nhận nhiều vị trí chủ chốt: Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Giám đốc ĐHQG-HCM, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành giáo dục.

Bên cạnh một số công trình nghiên cứu được công bố trước đây, như:Ca dao dân ca Nam Bộ, Truyện cười dân gian Nam Bộ, Giáo dục cách mạng miền Nam 1954-1975 , Trường học miền Nam trên đất Bắc…, sau khi nghỉ hưu, nhà văn Nguyễn Tấn Phát đã tìm đến văn chương và liên tiếp tạo dấu ấn với nhiều tiểu thuyết đặc sắc: Đeo bám (2017), Vòng xoáy cuộc đời (2018), Giọt lệ mờ nhân ảnh (2019), Tìm lại tình đời (2022).

Nguồn: Công đoàn ĐHQG-HCM

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM tặng hoa chúc mừng vợ chồng nhà văn Nguyễn Tấn Phát

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG-HCM tặng hoa chúc mừng vợ chồng nhà văn Nguyễn Tấn Phát.
Nhà văn Nguyễn Tấn Phát chia sẻ về tiểu thuyết “Tìm lại tình đời”.

Nhà văn Nguyễn Tấn Phát chia sẻ về tiểu thuyết “Tìm lại tình đời”.


ThS Lâm Tường Thoại - Chủ tịch Công đoàn ĐHQG-HCM đặt câu hỏi giao lưu với gia đình nhà văn Nguyễn Tấn Phát

ThS Lâm Tường Thoại - Chủ tịch Công đoàn ĐHQG-HCM đặt câu hỏi giao lưu với gia đình nhà văn Nguyễn Tấn Phát.

Vợ chồng nhà văn Nguyễn Tấn Phát ký tặng sách cho độc giả.

Vợ chồng nhà văn Nguyễn Tấn Phát ký tặng sách cho độc giả.

Đại biểu chụp hình lưu niệm với gia đình nhà văn Nguyễn Tấn Phát.

Đại biểu chụp hình lưu niệm với gia đình nhà văn Nguyễn Tấn Phát.